Product was successfully added to your shopping cart.
Swipe to the left
Bao giờ tao đi hết bốn Cực thì tao sẽ lấy chồng...
#ha giang

Bao giờ tao đi hết bốn Cực thì tao sẽ lấy chồng...

Print
By Hải Yến Vũ Ngày 11 tháng 08 năm 2018 251 Views 1 comment

"Bao giờ tao đi hết bốn Cực thì tao sẽ lấy chồng..."

"Mày còn chưa đi Cực Bắc đâu…"
"Cột cờ Lũng Cú hay cột mốc 428 (mốc có vĩ độ cao nhất trên tuyến biên giới Việt – Trung) đều là những điểm đến khiến lòng ta vui sướng nhưng cả hai cũng chỉ là những biểu tượng của Cực Bắc mà thôi. Cực Bắc thực sự là một điểm nằm giữa dòng sông Nho Quế, nơi con sông chuyển hướng từ Đông Bắc sang Đông Nam để xuôi về Đồng Văn, Mèo Vạc. Đo trên bản đồ vệ tinh, từ cột cờ tới cực Bắc là 3,3 km đường chim bay và mốc 428 cũng còn cách đấy 2,2 km."

Vậy là chúng tôi quyết định lên kế hoạch để tiến hành chinh phục Cực Bắc. Theo như lịch trình dự kiến thì hành trình của chúng tôi sẽ kéo dài trong 3 ngày 4 đêm. Đợt này đang mùa mưa và hành trình dự kiến là "rất căng" nhưng chúng tôi vẫn quyết định "bất chấp." Team toàn người đi làm rồi nên không thể xin nghỉ dài ngày được.
19h30 đêm đầu tiên chúng tôi xuất phát từ chân cầu Nhật Tân tiến về thành phố Bắc Kạn. Thường thì đi Hà Giang mọi người sẽ xuất phát theo hướng Hà Nội – Tuyên Quang nhưng chúng tôi quyết định đi theo hướng Cao Bằng để check thêm đèo 15 tầng. 23h kém chúng tôi đến thành phố Bắc Kạn, lấy phòng xong đi ăn đêm và đi ngủ sớm để có sức cho ngày hôm sau.
Buổi sáng dậy sớm và đi ăn sáng, 7h sáng chúng tôi xuất phát tiến thẳng về hướng thành phố Cao Bằng. Mục tiêu của chúng tôi hôm nay là check đèo 15 tầng, đèo Mã Pì Lèng, tìm kiếm ngôi nhà có hàng rào bằng đá mà tôi vô tình đọc được trong một bài review. Đoạn đường từ Bắc Cạn đến Cao Bằng tương đối dễ đi, 9h30 chúng tôi đến thành phố Cao Bằng rồi tiếp tục hướng đến Bảo Lạc.


Suốt hơn 100km từ thành phố đến Bảo Lạc đường rất xấu, nhiều ổ gà. Có 2 đoạn dọc đường đi bị ngập quá bánh xe, chúng tôi phải di chuyển bằng bè và xe lôi. Đèo 15 tầng theo như mô tả thuộc xã Xuân Trường, Bảo Lạc nhưng trên thực tế chúng tôi gặp 2 con đèo đều khoảng 14, 15 tầng cách nhau 19km, vị trí của cả 2 con đèo này đều thuộc Xuân Trường. Do đường xấu, trời mưa và xe tôi bị thủng xăm 1 lần nên chúng tôi đến Bảo Lạc chậm hơn dự kiến gần 2 tiếng.
17h30 chúng tôi có mặt tại điểm "Đôi dòng": ngã 3 sông nơi đây gần với nhà máy thủy điện Bảo Lâm 3 là nơi sông Nhiệm góp nước vào sông Nho Quế, hai con sông, hai tỉnh, hai huyện. Một phần đất nhô ra là Mèo Vạc – Hà Giang, hai phần đất còn lại là Bảo Lâm – Cao Bằng.

Bắt đầu sang Mèo Vạc tiến về đèo Mã Pì Lèng, cảnh sắc và con người nơi đây làm dâng trào trong tôi nhiều cảm xúc khó tả. Hai bên đường là những thửa ruộng bậc thang, phía xa xa là những dãy núi được bao phủ bởi mây trắng, những con đường uốn lượn quanh co mà đứng từ trên nhìn xuống giống như những con rắn bò quanh ngọn đồi, những đứa trẻ lít nhít bên đường vẫy tay chào lại chúng tôi…

Khi chúng tôi đến được đèo Mã Pì Lèng thì đã gần 19h, trời đã xâm xẩm tối. Không giống như thường lệ, Mã Pì Lèng bây giờ mang một vẻ đẹp mờ ảo, vẫn những ngọn núi nhấp nhô, vẫn dòng sông Nho Quế quanh co uốn lượn nhưng tất cả đều rất khác: "ở đây sương khói mờ nhân ảnh", chúng tôi chụp vài kiểu ảnh rồi qua thị trấn Đồng Văn ăn tối, về được đến homestay thì cũng đã gần 21h. Chúng tôi ở tại homestay Lô Lô Chải, đây là homestay của anh Sình Gai là trưởng bản đồng thời cũng là công an xã. Nếu team nào có ý định đi trek cực Bắc thì chỉ cần báo với anh, không cần mất công qua đồn biên phòng đăng kí. Tối đó tất cả chúng tôi đều đi ngủ sớm, trong lòng háo hức về chuyến trekking đầy thử thách ngày mai.

5h30 chúng tôi thức dậy vệ sinh cá nhân, tranh thủ lúc chờ mọi người tôi ngồi trên ban công tầng 2 ngắm bình minh và nghe vài bản nhạc yêu thích, trong lòng thấy bình yên đến lạ thường.
Ăn sáng xong chúng tôi di chuyển qua cột cờ Lũng Cú check in và chụp ảnh. Lúc xuống thì trời đổ mưa to, cơn mưa to và kéo dài nhiều giờ đồng hồ đã khiến chúng tôi phải hủy hành trình trek cực Bắc nhưng không sao "còn có lí do để lần sau quay lại", chúng tôi kéo nhau qua ngồi ở cà phê Cực Bắc, quán nhỏ nhưng rất độc đáo và đẹp

Ngớt mưa chúng tôi di chuyển ngược lại đèo Mã Pì Lèng vì trong team chúng tôi có vài bạn mới đến đây lần đầu tiên. Đèo Mã Pì Lèng vẫn đẹp và hùng vĩ như thế, hôm nay lại còn có thêm cả biển mây làm nền, tôi rút điện thoại ra lưu lại một vài góc cho riêng mình. Cảnh sắc nơi đây khó có thể ghi lại bằng máy ảnh hay diễn tả bằng lời… Bỏ lại Mã Pì Lèng huyền thoại, chúng tôi hướng về Yên Minh. Trên đường quay lại tôi đã xác định được vị trí của "ngôi nhà có hàng rào bằng đá" nhưng vì không muốn mọi người phải chờ đợi nên tôi lại thêm một lần nữa tặc lưỡi "còn có lí do để lần sau quay lại !"

Qua thăm thú dinh vua Mèo, chúng tôi nghỉ lại tại nhà nghỉ Hoa Đá gần đó. Nhà nghỉ đẹp và sạch sẽ, phía cuối hành lang có bộ bàn ghế uống nước với góc view núi rừng rất đẹp, tối đó chúng tôi ngồi tập trung đàn hát và chơi trò chơi rất vui vẻ.
Ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi quay trở lại thành phố Hà Giang để ngược về Hà Nội. Cung đường này thì đã quá quen thuộc với tất cả mọi người nên tôi cũng không nói nhiều, dốc 9 khoanh, dốc Thẩm Mã, rừng thông, cổng trời Quản Bạ…tuy nhiên dọc đường đi chúng tôi cũng tìm được cho mình những góc khá đẹp và độc để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Trời cứ mưa rồi lại tạnh khiến việc di chuyển của chúng tôi khó khăn hơn nhưng cũng chính vì thế mà cung đường quen thuộc lại trở nên rất mới lạ, đẹp và hùng vĩ hơn hẳn: những ngọn núi đá nhấp nhô, những áng mây lưng chừng núi, những ngôi nhà nằm trên vách đá cheo leo, những thác nước nhỏ ven đường, những cung đường đèo uốn lượn…Với riêng tôi là những kỉ niệm, cảm xúc vui buồn lẫn lộn, tất cả thật khó diễn tả bằng lời…
Chúng tôi về đến Hà Nội thì đã là hơn 23h, tôi nằm đổ gục xuống giường sau ba ngày hành xác, trong đầu vẫn văng vẳng tiếng động cơ xe, tiếng mưa, tiếng vọng của núi rừng, tiếng đàn ukulele…

Hà Giang hẹn gặp lại một ngày không xa !

Bài viết liên quan
MINH LAN Ngày 10 tháng 11 năm 2018 lúc 20:47
Qua tuyet voi. Ban la nguoi phu n u cua thoi dai. La nguoi Phu Nu cua gioi tre noi theo